9.24.2011

Những điều cần biết khi nhập khẩu vào thị trường Ả-rập Xê-út

Nguồn : http://dntm.vn/news/
Thứ hai - 19/09/2011 12:24
 
(DNTM) Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á giới thiệu những điều cần biết khi nhập khẩu vào thị trường Ả-rập Xê-út để các doanh nghiệp trong nước quan tâm tham khảo.
 
Các quy định và các yêu cầu nhập khẩu nói chung:
Ả-rập Xê-út quan sát tình trạng tẩy chay khối Ả-rập của I-xra-en
.
Không tàu biển hoặc máy bay nào được sử dụng để vận chuyển hàng hóa sang Ả-rập Xê-út được ghé bất kỳ cảng biển nào tại I-xra-en.
Các yêu cầu về chứng từ có phạm vi rộng.
Thuế quan nhập khẩu
Hội đồng hợp tác các nước Ả-rập của khu vực Vùng Vịnh (CCASG), cũng được biết dưới tên gọi (GCC), được thiết lập khung thuế ngoại quan chung với mức 5% đối với hầu hết các hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, cần xác minh vấn đề này với nhà nhập khẩu tại Ả-rập Xê-út.
Giấy phép và các yêu cầu cấp phép nhập khẩu nói chung
Không cần phải có giấy phép nhập khẩu.
Các giấy chứng nhận đặc biệt và phê duyệt đặc biệt đều cần đối với các sản phẩm hàng hóa.
Thông tin hải quan/nhập khẩu chính thức
Dán nhãn đối với các sản phẩm thực phẩm phải bằng tiếng Ả-rập.
Lưu ý sự thi hành các yêu cầu về dán nhãn cho biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm:
Cơ quan hải quan Ả-rập Xê-út đã phát hành Hướng dẫn bắt buộc của Luật Ả-rập Xê-út về dữ liệu thương mại, áp dụng đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu, được dán nhãn không thể tẩy xóa cho biết nguồn gốc xuất xứ của tất cả các hạng mục (chỉ đánh dấu  trên chất liệu đóng gói là không đủ). Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2009.
Đánh dấu nước xuất xứ phải được chỉ rõ (khắc hoặc đóng dấu bằng miếng dán không tẩy xóa được trên từng hạng mục và phải được in trên thùng/bìa cứng.
Chứng nhận xuất xứ cũng được đề cập với các chi tiết tương tự. Nếu việc vận chuyển có nguồn gốc từ bất kỳ nước châu Âu nào, nước của nhà sản xuất phải được chỉ rõ trong giấy Chứng nhận xuất xứ, thay vì đề là “EU”. Các kiện hàng/bìa cứng bao gồm việc vận chuyển từ các nước khác nhau phải cho thấy từng nước xuất xứ đối với mỗi hạng mục. Việc vận chuyển không có Giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định sẽ không được phép đánh dấu nguồn gốc xuất xứ sau khi bổ sung trên sản phẩm. Hàng hóa như vậy phải được trả lại (tái xuất) đến nước xuất xứ và người nhận hàng chịu chi phí mà không cần phải thông báo trước. Từ ngày 1/2/2009, yêu cầu này áp dụng đối với tất cả việc vận chuyển đến cảng Jeddah, Dammam và Riyadh. Bất kỳ sự không tuân thủ các hướng dẫn này sẽ bị phạt nghiêm khắc: Nhà nhập khẩu sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với bất kỳ sự trì hoãn và bất kỳ chi phí nào phát sinh nếu bị phạt tại cảng, phải chịu tiền bồi thường giữ tàu quá thời hạn, phí giữ tàu, thuê thêm nhân công và các chi phí lao động khác có liên quan.
Kiểm soát ngoại tệ và thư tín dụng
Ngân hàng trung ương là Cơ quan tiền tệ Ả-rập Xê-út (SAMA)
Al-Ma'ather Street, POB 2992, SA-11169 Riyadh;
Tel: +966 1 463 3000; fax: +966 1 466 2936, and +966 1 466 2966; e-mail:
info@sama.gov.sa
Đơn vị tiền tệ là đồng Saudi Riyal (SAR).
Kiểm tra trước vận chuyển/các yêu cầu khác trước vận chuyển
Chứng nhận nhập khẩu
Mẫu giấy kiểm tra trước vận chuyển cần phải có đối với hàng hóa vào thị trường Ả-rập Xê-út.
Các sản phẩm xuất khẩu sang Ả-rập Xê-út phụ thuộc vào Chương trình Chứng nhận Đánh giá sự tuân thủ (SASO) của Bộ Thương mại. SASO yêu cầu mọi sản phẩm xuất khẩu sang Ả-rập Xê-út phải kèm theo Giấy chứng nhận tuân thủ (CoC) để chứng minh sự tuân thủ yêu cầu các tiêu chuẩn và các quy định kỹ thuật được áp dụng. 
Hóa đơn thương mại
Các yêu cầu đối với vận chuyển thương mại:
Cung cấp tối thiểu 03 bản gốc của bản sao hóa đơn đã có chữ ký phải được chuyển cho người nhận hàng hoặc đại lý người nhận hàng.
Những hóa đơn này phải có tiêu đề của công ty xuất khẩu, tên đầy đủ, địa chỉ của nhà sản xuất cũng phải được cung cấp nếu không giống tên công ty xuất khẩu.
Bao gồm câu sau: “Tôi xác nhận hóa đơn này là thật và chính xác phù hợp với sổ sách kế toán, hàng hóa được nói đến có xuất xứ của ______”.
Nếu có các thành phần nước ngoài, chỉ ra tên nước xuất xứ và tỉ lệ trong sản phẩm. Cũng như các yêu cầu về hóa đơn nói chung, liệt kê bất kỳ thương hiệu nào trên sản phẩm, trọng lượng tịnh và trọng lượng gộp theo đơn vị đo là mét, mọi chi phí và các khoản chiết khấu được ghi thành từng khoản, tên tàu vận chuyển và ngày vận chuyển, cảng bốc và cảng dỡ hàng, số thư tín dụng. Danh mục giá nên để thành một chứng từ riêng rẽ.
Kể từ ngày 2/1/2008, hợp pháp hóa lãnh sự của hóa đơn thương mại và giấy chứng nhận xuất xứ không lâu nữa sẽ cần phải có cho quá trình vận chuyển sang Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên vẫn cần có giấy chứng nhận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Ả-rập. Sự thay đổi này diễn ra như kết quả của thỏa thuận của chính phủ Ả-rập Xê-út để rà soát chi phí cho quá trình xác thực của các chứng từ thương mại và phải tuân thủ các nguyên tắc của WTO trong 2 năm gia nhập WTO” khi nước này gia nhập WTO vào năm 2005.
Việc hợp pháp hóa các chứng từ có thể vẫn được nhà nhập khẩu yêu cầu hoặc cần có thư tín dụng.
Đại sứ quán Ả-rập Xê-út sẽ hợp pháp hóa các chứng từ được yêu cầu và dịch vụ này không mất phí.
Danh mục đóng gói
Danh mục đóng gói cần có đối với mọi hàng hóa vận chuyển gồm nhiều hơn 1 đơn vị vận chuyển khi nội dung của mỗi kiện hàng chưa được xác định rõ ràng với trọng lượng gộp và trọng lượng tịnh tương ứng theo đơn vị mét, nhãn hiệu và số trên hóa đơn thương mại.
Bao gồm ít nhất 3 bản sao như chứng từ vận chuyển đưa cho người nhận hàng.
Tất cả các thông tin phải nhất quán với các nội dung trên hóa đơn thương mại:
1. Trọng lượng tịnh
2. Trọng lượng gộp
3. Giá trị xuất khẩu
4. Số lượng kiện hàng
5. Số công-ten-nơ
6. Số niêm phong
7. Tên và địa chỉ của người gửi hàng và người nhận hàng
8. Số hiệu thư tín dụng (nếu có)
Chứng từ vận chuyển
Cân phải có chứng từ vận chuyển được chuẩn bị chu đáo.
Đối với hàng hóa vận chuyển đường biển, thường phải có vận đơn đường biển.
Xác minh các yêu cầu về việc hợp pháp hóa với nhà nhập khẩu. Khi yêu cầu phải có quá trình hợp pháp hóa, nhìn chung phải xuất trình 1 bản sao không thỏa thuận. Kiểm tra với tòa lãnh sự các chứng từ này cần có số thứ tự chính xác của bản sao.
Cần có giấy chứng nhận của tàu thủy hoặc máy bay. Giấy chứng nhận này (là bản kê khải kèm theo với Vận đơn” hoặc “vận đơn hàng không” phải do công ty tàu thủy (hoặc hàng không) phát hành tối thiểu 1 bản gốc. Giấy chứng nhận này phải được công chứng và gồm các thông tin về tàu biển (hoặc máy bay), được ghi tên trong vận đơn hoặc giấy chứng nhận của công ty hàng không với nội dung như sau:
• tên của tàu (máy bay), bất kỳ tên trước đó (nếu có)
• quốc tịch của tàu (máy bay)
• chủ tàu (máy bay)
• tên các cảng (sân bay) mà tàu (máy bay) sẽ có hành trình đi qua trên đường tới Ả-rập Xê-út, bao gồm cảng (sân bay) bốc và dỡ hàng.
Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (nói chung)
Yêu cầu phải có 3 bản, với các chữ ký tươi. Bao gồm:
Bản mô tả hàng hóa:
1. Tên tàu và ngày nhổ neo
2. Tên, địa chỉ và quốc tịch của nhà sản xuất hàng hóa
3. Danh mục các thành phần và nguồn gốc của mỗi kiện hàng hóa.
4. Tên và địa chỉ của nhà xuất nhập khẩu.
5. Bản kê khai đã có chữ ký cho thấy thông tin là có thật và chính xác.
6. Nếu có bất kỳ các thành phần nước ngoài nào, cần phải nộp mẫu “Kê khai kèm theo Giấy chứng nhận xuất xứ”.
Các yêu cầu về bảo hiểm hàng hóa chính thức
Cần phải có bảo hiểm vận tải.
Khi nhà xuất khẩu cung cấp bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm phải được kèm theo các chứng từ vận tải. Giấy chứng nhận này (do công ty bảo hiểm phát hành tối thiểu 1 bản gốc) phải bao gồm các nội dung:
a. Số lượng bảo hiểm thực tế
b. Bản mô tả và giá trị hàng hóa đã được bảo hiểm
c. Tên tàu
d. Cảng bốc hàng
e. Cảng dỡ hàng của Ả-rập Xê-út
f. Tên và địa chỉ của người hưởng lợi
Thêm vào đó, “Bản kê khai kèm theo với Chính sách bảo hiểm” (do Lãnh sự quán Ả-rập Xê-út cấp) cần chỉ ra công ty bảo hiểm có đại lý hoặc đại diện được chỉ định hoàn toàn đủ năng lực tại Ả-rập Xê-út, phải có tên và địa chỉ đầy đủ.
Nếu vận chuyển được thanh toán bởi công ty bảo hiểm tại Ả-rập Xê-út, nhà xuất khẩu phải chỉ ra điều đó trên tiêu đề và cung cấp tên, địa chỉ của công ty đó. Bản kê khai như vậy phải được ký và công chứng. Xác minh các yêu cầu hợp lý hóa với nhà nhập khẩu.
Các yêu cầu chứng từ nhập khẩu khác
Bất kỳ chứng từ đặc biệt nào (ngoài hóa đơn thương mại, danh mục đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ, vận đơn) có thể cần sự hợp pháp hóa của cơ quan lãnh sự. Tham khảo thêm với nhà nhập khẩu đối với các yêu cầu cụ thể.
Các yêu cầu đánh dầu và đóng gói vận chuyển
Nhìn chung, cần tuân theo các tập quán vận chuyển tiêu chuẩn sau đây:
• Các kiện hàng nên được đánh dấu với các thông số về trọng lượng gộp, tên viết tắt hoặc tên của người nhận hàng và nước xuất xứ.
• Các kiện hàng nên được đánh số thứ tự nếu có hơn 1 kiện hàng vận chuyển.
• Hàng hóa nguy hiểm cần có Giấy đóng gói cho biết tình trạng của UN (UN POP).
Lưu ý: Việc thực thi gia tăng đối với các sản phẩm có đánh dấu nước xuất xứ có những yêu cầu sau:
Cơ quan hải quan của Ả-rập Xê-út đã phát hành chỉ thị bắt buộc áp dụng cho tất cả các sản phẩm nhập khẩu, nhãn mác phải được khắc hoặc dập nổi hoặc không tẩy xóa được cho biết “nguồn gốc xuất xứ” trên tất cả các hạng mục (chỉ đánh dấu trên vật liệu đóng gói là không đủ). Chỉ thị này có hiệu lực từ 01/02/2009. Đối với hàng hóa không yêu cầu có đánh dấu nguồn gốc xuất xứ, cần phải áp dụng việc đánh dấu đối với tất cả các hạng mục trong thời hạn không quá 2 tuần. Hình phạt sẽ được áp dụng là khoảng 5.000 SAR (tương đương 1325 USD), cộng với phí bảo đảm cho sự tuân thủ đối với Cơ quan hải quan Ả-rập Xê-út. Trong trường hợp nhà nhập khẩu bị vi phạm lần thứ hai, Cơ quan hải quan sẽ không cho phép giải phóng hàng hóa, nhưng sẽ chỉ định cho người nhận hàng tái xuất hàng gửi ngay lập tức.
Các yêu cầu dán nhãn/đóng gói cụ thể đối với hàng hóa:
Các sản phẩm thực phẩm phải được dán nhãn bằng tiếng Ả-rập.
Các yêu cầu dán nhãn và đóng gói cụ thể có thể áp dụng đối với các sản phẩm và hàng hóa khác. Các nhà xuất khẩu nên kiểm tra với khách hàng của họ về các yêu cầu sản phẩm cụ thể.

Nguyễn Thùy Linh
Nguồn tin: Vụ châu Phi Tây Á Nam Á

Về xóm lồng đèn nhớ. . . những "người muôn năm cũ"

Thứ bảy - 10/09/2011 07:06
Hàng năm, cứ sau rằm tháng 7, xóm đạo ấy trở nên nhộn nhịp. Kẻ bán người mua tấp nập tạo nên một hoạt cảnh huyên náo đến lạ thường. Chúng tôi muốn nói đến khu vực giáo xứ Phú Bình (P.5 Q. 11 TP.HCM), một nơi chuyên sản xuất lồng đèn thủ công vào mỗi dịp Trung thu. Nhưng rồi thì . . . mỗi năm mỗi vắng.
Hiu hắt làng nghề
Gần đến Tết Trung thu. Đường vào giáo xứ Phú Bình không có vẻ gì là một xóm lồng đèn như chính cái danh xưng tự thuở nào. Tôi hỏi một ông cụ đang ngồi trước hiên nhà, ông cho biết cái danh xưng ấy quả là có thật nhưng từ hơn 10 năm trước. Từ ngày các loại đồ chơi du nhập từ nước ngoài về tràn ngập thị trường thì cái xóm lồng đèn này cứ mỗi năm mỗi vắng.
Bằng một giọng nói miền Bắc đặc sệt, cụ kể lại lai lịch gốc tích của làng nghề này. Sau năm 1954, người bắc gốc Nam Định về đây cư ngụ hình thành một quần cư. Khởi đầu chỉ một vài nhà học được nghề làm lồng đèn rồi chẳng mấy chốc cả xóm đều làm. Nguyên liệu rẻ, nhân công rẻ sức bán không bị cạnh tranh, chiếc lồng đèn bằng giấy kính đủ mẫu mã đã một thời xuất hiện khắp đường phố lung linh vào dịp rằm tháng 8.      
Thuở ấy, cứ sau Tết Nguyên đán, cả xóm bắt đầu nhộn nhịp. Lồ ô (một loại giống tre nhưng dẻo hơn và mỏng võ rỗng ruột) từ các nơi đổ về. Rồi tiếng cưa cắt, tiếng chẻ nhỏ vót nan cứ như một điệu nhạc. Ai làm việc nấy theo từng công đoạn. Chiếc khung hình thành chuyển đến tốp người dán giấy kính. Cứ thế đến khi hoàn tất chiếc lồng đèn với nhiều màu sắc cọng thêm những nét vẻ điểm tô tạo cho chiếc lồng đèn như có hồn hẳn lên.
"Công việc kéo dài đến Rằm tháng 7 thì nhà nào nhà nấy đầy ắp lồng đèn. Anh cứ thử nghĩ xem, bao nhiêu căn nhà là bấy nhiêu kho chứa lồng đèn. Màu đỏ của giấy kính làm cả xóm đỏ rực. Rồi xe lấy hàng tấp nập đến. Những chiếc lồng đèn từ Phú Bình ra đi đến tận hang cùng ngõ hẹp, đến tận tay các cháu nhi đồng để rồi đúng ngày trung thu những ngọn nến được tỏa sáng bên trong chiếc lồng đèn rực rỡ ấy". 
Nhấp một ngụm trà, đôi mắt cụ lãng đãng xa xăm. Cụ tiếp tục chia sẻ, sự rộn rịp ấy kéo dài đến khoảng năm 1990 thì bắt đầu sa sút. Kinh tế phát triển, nhiều hàng hóa từ bên ngoài đổ vào trong đó có những mặt hàng phục vụ trung thu khiến cho chiếc lồng đèn thủ công giấy kính trở nên lép vế.
Bây giờ đến Phú Bình cũng còn lác đác vài nhà làm lồng đèn. Những người này dường như không bỏ được cái nghề đã nuôi sống gia đình họ từ bao năm nay. Đi khắp xóm đếm được cũng chỉ hơn chục nhà.
Mong đèn giấy kính mãi xuất hiện trong đêm Trung thu
Chủ tiệm lồng đèn Nam Ký tiếp chúng tôi khi trên tay chị vẫn còn cầm chiếc lồng đèn tàu thủy to đùng. "120.000 đồng đó anh ạ", chị buồn rầu nói.
Nhìn gian hàng chị số lượng cũng không nhiều lắm. Chị cho biết, ở xóm lồng đèn Phú Bình này hầu hết vừa sản xuất vừa làm đại lý. Nhìn vào gian hàng của chị, ngoài lồng đèn giấy kính còn có nhiều loại lồng đèn xếp. Bây giờ lồng đèn truyền thống ít được các đoàn thể, các đơn vị ưa chuộng vì cồng kềnh lắm. Người ta mua đèn xếp nhiều hơn vì dễ vận chuyển. 
Chị là người trực tiếp bán hàng. Bên trong phía sau nhà, một xưởng chế tạo, lắp ráp các loại lồng đèn làm việc trong lặng lẽ. Vẻ quạnh hiu của một buổi chợ chiều phủ khắp xóm lồng đèn này từ lâu lắm và giờ đây chỉ còn một vài hộ còn cố níu kéo cái thưở vàng son xa xưa.
Từ đường Lạc Long Quân ngay cổng chào giáo xứ Phú Bình đi vào, có khoảng 3 hộ còn sản xuất và bán lồng đèn. Chẳng còn bao lâu nữa là đến Trung thu nhưng sức bán thì rất ì ạch. 
Bước vào nhà 423/6 Lạc Long Quân, cô gái trẻ Nguyễn Thị Bích đang ngồi chẻ từng chiếc nan. Bàn tay người thợ mềm mại tách từng thẻ lồ ô thành những nan lồng đèn thuần thục và nhanh nhẹn. Bích cho biết, lồ ô bây giờ lên giá quá. Năm trước khoảng 10.000đ/cây nhưng năm nay đã 50.000đ. Kiếm được đồng lời trong thời buổi này quả là rất khó.  
Bích kể cho tôi nghe, gia đình là gốc dân Nam Định, làm nghề lồng đèn này sau khi vào nam. Từ đời bố, truyền cho các con và giờ đây, ngoài cửa hàng và xưởng của gia đình còn có thêm 2 xưởng nữa của 2 anh Bích đứng làm chủ.
Năm nay 27 tuổi, cô gái trẻ này vốn là nhân viên kế toán của một công ty trong thành phố. Bích cho biết cô đã nghỉ việc để về phụ với gia đình giữ cái nghề truyền thống này. Bên trong, cụ Nguyễn Thị Hoa tuổi đã gần 80, mẹ của Bích đang cặm cụi làm khung lồng đèn.
Nhà Bích vẫn giữ nguyên nếp cũ, làm lồng đèn quanh năm. Bích nói, sau Rằm tháng tám nghỉ một hai tháng rồi tiếp tục làm đợt lồng  đèn mới. Cứ thế cho đến tháng 8 năm sau. Hàng chục năm nay gia đình Bích vẫn thế.
Vừa tiếp chuyện, đôi tay Bích vẫn làm. Một người khách bước vào. Bích đứng dậy lấy hàng bán cho khách. "Khách lẻ thôi sao? Dạ không, khách sĩ mới chủ yếu chứ. Đã có nhiều đơn đặt hàng nhưng còn xa ngày trung thu nên họ chưa đến lấy". Bích than, dạo này thợ dán giấy kính khó tìm quá. Những người lành nghề, dán đẹp không còn làm nữa. Lại còn công đoạn tô điểm cho chiếc lồng đèn. Con cá thì thêm vảy, con cua thêm càng. Những người làm công đoạn này cũng chẳng còn nhiều nhưng cũng cố cầm cự.
Cụ Hoa bên trong nhà vẫn cứ miệt mài hoàn thành những chiếc khung lồng đèn. Ngoài này Bích vừa bán vừa ra nguyên liệu. Không hối hả, không vội vả. Tất cả trôi đi như nhịp thời gian lần cuốn hút những người thợ thủ công làm đẹp cho đời.
Nhìn những chiếc lồng đèn treo lủng lẳng, tôi chợt nghĩ đến thời thơ ấu của mình. Có lẽ cả một quảng đời niên thiếu, chiếc lồng đèn này là niềm mơ ước của mình nhưng không sao có được. Nhìn đám bạn tung tăng xách con cá, con cua, con bướm, trong khi mình và một số bạn cùng cảnh ngộ với chiếc lồng đèn tự làm bằng lon sữa bò, thế mà vẫn vui trong đêm Tung thu. Tuổi thơ đâu biết phân biệt nghèo hèn sang trọng là gì.
Những "người muôn năm cũ" đã làm những chiếc lồng đèn giấy kiếng có thể rồi sẽ không còn hoặc hết khả năng lao động. Thế hệ sau sẽ nối tiếp như một sự kế thừa để mãi mãi những chiếc lồng đèn xinh xắn kia có mặt trong đêm trung thu trên tay các em nhỏ. Nó là hồn của dân tộc, là tinh hoa là nét đẹp văn hóa của muôn đời.

Trần Chánh Nghĩa (VNN)

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU: Dự báo tác động tới nền kinh tế Việt Nam

Nguồn : http://dntm.vn/news/vi/news/

Thứ hai - 05/09/2011 04:44

(DNTM) Trong những năm gần đây, Việt Nam đã liên tục tham gia các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại và đầu tư trong một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Mặc dù hiện nay mới chỉ có các FTA với khối ASEAN hay các đối tác tại khu vực Đông Nam Á đang có hiệu lực thi hành, nhưng Việt Nam vẫn chủ động tìm kiếm các cơ hội đàm phán các FTA với cả các đối tác thương mại chiến lược ngoài khu vực Đông Nam Á, như Hoa Kỳ, Chi-lê và cả EU. Trong đó, đàm phán FTA với EU là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Một nghiên cứu gần đây của dự án MUTRAP đã phân tích những ảnh hưởng dự kiến mà hiệp định này mang lại đối với nền kinh tế Việt Nam. Bài viết này tóm lược những kết quả chính nghiên cứu trên, toàn bộ nghiên cứu sẽ sớm được đăng tải trên trang tin điện tử của dự án MUTRAP (http://www.mutrap.org.vn/).

Quan hệ thương mại Việt Nam – EU
Việt Nam là một nền kinh tế hướng xuất khẩu với 69% tổng GDP từ xuất khẩu trong năm 2008 (64% năm 2009 và 61% năm 2005); EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Xuất khẩu sang EU đóng góp 16% tổng GDP, đạt 14,9 tỷ USD (14% năm 2009, đạt 12.6 tỷ USD) và chiếm 17% tổng số kim ngạch xuất khẩu cả nước (duy trì từ năm 2005)[1].
Năm sản phẩm dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU là giày dép (4,5 tỷ USD), may mặc (2,3 tỷ USD), cà phê (1,4 tỷ USD), thủy sản (1,1 tỷ USD) và đồ nội thất (1 tỷ USD). Trong năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu của năm mặt hàng này chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu vào châu Âu. Thuế suất áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của EU tương đối thấp. Mức thuế suất áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đã liên tục giảm và ở mức bình quân khoảng 4,1% năm 2009. Tuy nhiên, mức thuế trung bình áp dụng đối với một số mặt hàng vẫn còn tương đối cao (dệt may là 11,7%, thủy sản là 10,8% và giày dép là 12,4%). Điều này có nghĩa là thông qua FTA, khả năng EU miễn trừ thuế quan đối với hầu hết các hoạt động thương mại sẽ giúp mang lại lợi thế so sánh cho Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường EU.
Về thuế nhập khẩu, Việt Nam đã cắt giảm tương đối mạnh thuế nhập khẩu kể từ sau khi gia nhập WTO và hiện nay áp dụng thuế suất (bình quân giản đơn) ở mức 9,3% (so với mức 13,7% năm 2005); các mức thuế (bình quân giản đơn) áp dụng với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của EU vào Việt Nam về cơ bản đều ở mức thấp, ngoại trừ đối với ô tô (24,2%), và một phần với hàng điện tử 8,9%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu khác của EU vào Việt Nam đều được áp mức thuế tương đối thấp như với cơ khí (3,4%), dược phẩm (2%), sắt (2%), dụng cụ quang học và y tế (1,3%) và máy bay (0%). Tuy nhiên, ngoại trừ đối với máy bay, mức thuế đỉnh đối với các mặt hàng nêu trên vẫn còn ở mức tương đối cao (từ mức 10% đối với dược phẩm tới 90% đối với ô tô).
Việt Nam trông đợi gì từ FTA với EU: bài học kinh nghiệm từ các FTA mà EU đã ký kết gần đây
Hiệp định thương mại tự do là những điều ước phức tạp vượt ra ngoài mục tiêu ưu đãi cắt giảm thuế quan đơn thuần. Trên thực tế, trong FTA hiện đại mà EU tham gia đàm phán, ngoài mục tiêu cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết các sản phẩm, các điều khoản còn nhằm hướng đến việc tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư, thúc đẩy việc thực hiện chính sách môi trường, chính sách mua sắm và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thực vậy, trong các FTA gần đây của EU, các đối tác đã phải giảm dần và trong thời hạn 10 năm các loại thuế hải quan nhưng vẫn có khả năng không áp dụng giảm thuế đối với một số lĩnh vực cụ thể. Đối với các rào cản về kỹ thuật và vệ sinh thì đàm phán gia nhập FTA là một cơ hội quan trọng nhằm thảo luận và giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà các nhà xuất khẩu của Việt Nam gặp phải khi tiếp cận thị trường EU. Những nguyên tắc khác cũng đã được thống nhất thông qua những cam kết cụ thể về việc xóa bỏ và ngăn chặn những rào cản phi thuế quan đối với lĩnh vực thương mại nói riêng, như đối với ô tô, dược phẩm và điện tử.
Bên cạnh đó, FTA cũng bao gồm các điều khoản về đầu tư trong cả lĩnh vực dịch vụ lẫn công nghiệp. Đồng thời, Hiệp định cũng đặt ra những nguyên tắc chặt chẽ trong các lĩnh vực liên quan như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cạnh tranh, minh bạch hóa luật lệ và phát triển bền vững (ví dụ: các quyền môi trường và xã hội).
Xét dưới góc độ kinh tế, nhìn chung các quốc gia sau khi tham gia FTA với EU đều đạt được những kết quả khả quan. Theo một nghiên cứu khác do VCCI tiến hành – phân tích tác động của một vài FTA mà EU ký với một số đối tác, các FTA mà EU ký trước đây với Chi-lê, Mê-hi-cô và Nam Phi đã đem lại hiệu quả thương mại rất tích cực cho các nước này. Riêng đối với Mê-hi-cô, FTA còn mang lại cho nước này dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khổng lồ từ EU. Thực tế thì các công ty của EU đều coi Mê-hi-cô là cơ sở sản xuất quan trọng các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nhằm hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA (gồm Mê-hi-cô, Hoa Kỳ và Ca-na-đa).
 Tác động đối với đầu tư và những cơ hội đầu tư trong tương lai
Thị trường Việt Nam là một trong những điểm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn nhất và đã tiếp nhận được khối lượng FDI đáng kể. Tổng FDI năm 2010 ước tính khoảng 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009.
Xét từ khía cạnh tăng cường đầu tư thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ một hiệp định thương mại tự do với EU. Phân tích dưới góc độ định tính thì có lẽ những lợi ích lớn nhất mà Việt Nam (bao gồm cả số lượng và chất lượng của FDI cũng như lợi ích của nền kinh tế nói chung) nhận được sẽ bắt nguồn từ sự tự do hóa dịch vụ. Sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ từ EU sẽ làm tăng hiệu quả của thị trường (với công nghệ tốt hơn, quy trình tốt hơn và chất lượng quản lý tốt hơn). Đồng thời, toàn bộ nền kinh tế cũng sẽ hưởng lợi bởi thực tế rõ ràng là hoạt động hiệu quả của lĩnh vực phụ trợ sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất và là nền tảng của một nền kinh tế hiệu quả và có tính cạnh tranh.
Tính cạnh tranh của ngành chế tạo sản xuất Việt Nam là rất rõ ràng. Nhân công rẻ kết hợp với mở cửa thị thường với khu vực ASEAN mở rộng đã đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu của cả khu vực. Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ làm tăng xu hướng của các công ty nước ngoài (bao gồm cả EU và các nước khác) đầu tư vào Việt Nam và đem lại những loại ích khác cho nền kinh tế Việt Nam. Những lợi ích này thể hiện ở việc đưa Việt Nam trở thành địa điểm có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu (các hàng hóa chất lượng tốt hơn và giá thành rẻ đến từ châu Âu; thị trường rộng hơn với 3,4 tỷ người, kèm theo cả khu vực thương mại tự do của ASEAN với các đối tác ngoài khối; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam), và từ đó sẽ hấp dẫn đầu tư với số lượng và chất lượng cao hơn trong và ngoài khu vực thương mại tự do.
Tác động của Hiệp định trong tương lai: phân tích định lượng
Những phân tích do MUTRAP tiến hành đã chỉ ra rằng Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích. Trong đó, lợi ích lớn nhất thu được bao gồm: tăng trưởng trong đầu tư của EU vào ngành công nghiệp dịch vụ của Việt Nam, tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cơ hội nâng cấp trình độ kỹ thuật của Việt Nam thông qua việc nhập khẩu hàng hóa chiến lược với mức giá thấp hơn. Bên cạnh đó, tự do hóa thương mại sẽ giúp tăng nguồn thu nhập quốc gia (nguồn thu từ hàng hóa nhập khẩu lớn hơn nguồn chi từ sự giảm thuế), cán cân thương mại được cân bằng (tăng trưởng đương 500 triệu USD hàng năm do xuất khẩu tăng, thấp nhất là 4% so với dương 3,1% nhập khẩu), và từ đó giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP một cách đáng kể (2,7% năm)


Biến số
Kết quả
Thu nhập quốc gia+ 26 triệu USD mỗi năm
Xuất khẩu+ 4% -  + 6% mỗi năm
Nhập khẩu+3.1% (điện tử: +2.7%, hóa chất +2.5%, dược phẩm: +3%)
Cán cân thương mại+500 triệu USD mỗi năm
GDP+2.7% mỗi năm
Tiêu thụ của chính phủ và tư nhân+ 2%
GiáGiảm đáng kể
Tiền lươngTăng đáng kể

Cận cảnh trong một vài lĩnh vực
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của Việt Nam (với hơn 2 triệu công nhân) và là ngành phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Hơn 65% hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và phần còn lại xuất chủ yếu vào thị trường EU và Nhật Bản. Xuất khẩu hàng may mặc tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2005-2008 (trung bình +32% mỗi năm) và giảm mạnh trong năm 2009 (-10%) do giảm cầu (và giảm giá) dưới ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Thêm vào đó, sự tăng giá nguyên liệu và lãi suất vay cao càng làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành này. Do vậy, ngành dệt may của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều từ hiệp định thương mại tự do với EU. Việc ký kết FTA với EU sẽ giúp giảm mức thuế hiện tại mà EU áp đối với mặt hàng may mặc của Việt Nam từ 12% xuống 0%. Cụ thể là năm mặt hàng may mặc xuất khẩu nhiều nhất sẽ được hưởng lợi (com-lê của nữ, năm là 285 triệu và 233 triệu USD, áo khoác nam, nữ là 211 triệu và 207 triệu USD, và hàng dệt kim là 166 triệu USD). Đồng thời, việc EU giảm thuế đối với hàng may mặc của Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu với mức trung bình trên 20%.
Ngành da giầy đã trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu với hơn một triệu lao động trong 500 nhà máy, chiếm 40% tổng hàng hóa công nghiệp của Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu da giầy nhiều nhất vào thị trường EU (với 4,5 tỷ USD trong năm 2008 và 3,6 tỷ USD năm 2009), chiếm 10% thị phần của thị trường này. Mặt hàng chủ yếu là hàng da cao cấp (48% chiếm 2,3 tỷ USD năm 2008) và giầy thể thao gia công cho các hãng của EU và Hoa Kỳ. Trong thời gian gần đây, một vài nhà sản xuất của Việt Nam đã bắt đầu chú trọng hơn đến nhu cầu của thị trường trong nước thông qua việc đầu tư thành lập các bộ phận thiết kế mẫu chuyên nghiệp.
Thuế suất bình quân gia quyền EU áp dụng đối với mặt hàng giầy dép nhập khẩu từ Việt Nam là 12,4% (tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng giầy da là 17%). Thỏa thuận ký kết với EU sẽ làm giảm thuế áp đối với hàng Việt Nam về mức hợp lý. Do vậy, Việt Nam hy vọng rằng xuất khẩu của các mặt hàng giầy dép khác nhau sẽ tăng từ 7% lên 21% và có thể tăng lên từ 14-16% vào cuối tháng 3 sau khi các biện pháp chống bán phá giá hết hiệu lực.
Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi xét từ góc độ nhập khẩu. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa chiến lược của EU vào Việt Nam sẽ giúp nâng cao kỹ thuật của ngành công nghiệp và từ đó đẩy mạnh hiệu quả sản xuất và xuất khẩu. Hai trong số các mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất bao gồm điện tử và máy móc. Trong những năm từ 2004-2009, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng điện tử của Việt Nam tăng trưởng trung bình ở mức 33,6%. Giá trị nhập khẩu mặt hàng này tăng từ mức 2,6 tỷ USD năm 2005, sau 5 năm đã đạt mức 7,6 tỷ USD năm 2008. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu chắc chắn sẽ tác động đến số lượng và giá cả của hàng hóa và linh kiện điện tử của EU vào Việt Nam vì tối thiểu cũng đủ cân bằng chi phí vận chuyển từ châu Âu. Điều này sẽ giúp Việt Nam có được những sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp hơn và có nhiều lựa chọn hơn đối với các nhà cung cấp.


GS. Claudio Dordi
Federico Lupo Pasini

(Tóm lược kết quả một nghiên cứu của dự án MUTRAP)